Hội thảo "Bảo vệ và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của tổ chức"
Chiều 20/7, tại Trường Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Viện KHSHTT) phối hợp với Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm quốc gia về Đào tạo và Thông tin sở hữu công nghiệp Nhật Bản (INPIT) tổ chức hội thảo với chủ đề “Bảo vệ và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của tổ chức”.
Tham dự Hội thảo có TS. Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện KHSHTT; PGS.TS Từ Diệp Công Thành, Phó giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ - Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh; ông Yoshitaka Enomoto, Giám đốc, Trưởng Ban Khai thác và Phát triển nguồn nhân lực, Trung tâm Quốc gia về Đào tạo và Thông tin Sở hữu Công nghiệp Nhật Bản (INPIT); ông Norihisa Kato, Trưởng Ban Sở hữu trí tuệ khu vực Đông Nam Á, Đại diện JPO tại Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO); bà Takado Okada, Luật sư sáng chế, Công ty Luật Nagato và Công sự và một số đại diện khác của INPIT; Đại diện của các đơn vị trực thuộc Bộ KHCN gồm Cục Công tác Phía Nam, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. HCM; các Sở Khoa học và Công nghệ; các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQG TP. HCM và một số trường đại học trên địa bàn TP. HCM; các hiệp hội gồm: Hội sáng chế Việt Nam, Hội SHTT TP. HCM, Liên hiệp Khoa học Danh nhân Việt Nam, các Tổ chức đại diện SHCN, các doanh nghiệp và các nhà quản trị tài sản trí tuệ (TSTT) thuộc các cơ quan quản lý, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện KHSHTT nhấn mạnh: Tài sản trí tuệ (TSTT) ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp, việc phát triển TSTT sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh, uy tín và lợi ích kinh tế nhiều mặt cho doanh nghiệp. Việc bảo vệ và phát triển các loại TSTT hiện nay có thể được xem là vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp. Để bảo vệ và phát triển TSTT một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải có một chiến lược quản trị và phát triển TSTT phù hợp. Để đạt được điều này, trước hết bản thân doanh nghiệp phải nắm được những nội dung cơ bản về bảo vệ, quản trị và phát triển TSTTT, bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nhận được sự tư vấn, hỗ trợ mang tính định hướng từ Nhà nước trong việc bảo vệ, quản trị và phát triển TSTT.
Hội thảo tập trung vào hai chủ đề là bảo vệ TSTT của doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển TSTT. Các đại biểu đã được nghe chia sẻ của các diễn giả đến từ Nhật Bản và Việt Nam về các nội dung: Bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Nhật Bản; Chi phí kinh tế do hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đối với một số ngành công nghiệp ở Việt Nam; Ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, bảo vệ các kết quả nghiên cứu KH&CN và thương mại hóa TSTT; Bảo vệ TSTT từ kinh nghiệm của Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên; Hoạt động hỗ trợ về SHTT đối với doanh nghiệp Nhật Bản và hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ và phát triển TSTT của Viện KHSHTT.
Buổi hội thảo đã đưa ra những góc nhìn đa chiều về vấn đề bảo hộ và phát triển TSTT, giới thiệu và chia sẻ những kinh nghiệm bảo vệ TSTT của Nhật Bản và Việt Nam, cũng như các chương trình và nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam về SHTT. Đây là những vấn đề mà các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam cần thực sự lưu tâm nhằm tránh rủi ro và tổn thất, lãng phí về nguồn lực và có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ cơ quan nhà nước hay các tổ chức trung gian trong việc tư vấn, hỗ trợ bảo vệ và phát triển các TSTT.
Cũng trong khuôn khổ buổi Hội thảo, Viện KHSHTT và Sở KH&CN TP.HCM đã tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận cho các Quản trị viên TSTT trong khuôn khổ hợp tác đào tạo giữa hai bên.
Nguồn: Viện Khoa học sở hữu trí tuệ